Kết quả giám sát của Ban Pháp chế cho thấy, trong thời gian qua, hệ thống giao thông của tỉnh Cà Mau được đầu tư phát triển nhanh, các tuyến quốc lộ được mở rộng, nâng cấp. Nhiều tuyến đường ô tô về trung tâm xã, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng. Một số tuyến đường nội ô thành phố, thị trấn được sửa chữa, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đảm bảo trật tự ATGT. Hệ thống cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng công cộng được chỉnh trang, góp phần tăng thêm vẻ mỹ quan của các đô thị trong tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt để phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật pháp luật về ATGT nhìn chung đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện, góp phần nâng cao ý thức, tính gương mẫu của cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật giao thông.
Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, giải tỏa chướng ngại vật trên sông và quản lý phương tiện thủy nội địa được được các ngành chức năng thực hiện thường xuyên. Các lực lượng chức năng kết hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giải tỏa chướng ngại vật trên các tuyến sông như nò, đó, vó, lú. Việc triển khai cắm mốc lộ giới nhiều tuyến đường trên địa bàn; duy tu và kẻ vạch sơn đường định kỳ để đảm bảo ATGT đường bộ cũng được quan tâm thực hiện. Đồng thời, kiên quyết giải tỏa các công trình, vật kiến trúc nằm trong phạm vi hành lang đường bộ trên các tuyến quốc lộ. Trong 8 tháng năm 2011 các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã kiểm tra và lập 567 biên bản vi phạm về hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ, chuyển 17 hồ sơ cho địa phương đề nghị ra quyết định cưỡng chế thi hành. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo trật tư ATGT và trật tự mỹ quan đô thị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu như sau:
Công tác triển khai, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo ATGT được quan tâm. Việc tổ chức triển khai, quán triệt các quy định của pháp luật về ATGT phần lớn và chủ yếu chỉ thông qua các cuộc hội nghị, hội họp, chưa triển khai sâu rộng đến tận cơ sở và đến đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh. Trong tuyên truyền còn thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa có mô hình, điển hình mới; việc tổ chức tuyên truyền còn rời rạc, chưa có chiều sâu, đôi khi còn mang nặng tính hình thức, phong trào. Chưa tập trung tuyên truyền cho đối tượng ở vùng sâu, vùng nông thôn nhất là công nhân các nhà máy chế biến thủy sản, nông dân nghèo ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên. Do đó, những đối tượng này thường vi phạm và chiếm tỷ lệ khá cao trong số các vụ vi phạm trật tự ATGT.
Tình hình tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông và giải tỏa chướng ngại vật trên sông chưa mang lại hiệu quả. Trong 8 tháng năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 49 vụ TNGT, làm chết 32 người, bị thương 43 người; so với cùng kỳ năm 2010 tăng hơn 32% về số vụ và tăng 33% về số người chết. Trong đó TNGT đường thủy tăng nhanh cả ba mặt, so với cùng kỳ tăng 110% (về số vụ, trên 63% về số người chết và số người bị thương tăng 600%). Đáng lo ngại là các vụ TNGT nghiêm trọng gia tăng, điển hình chỉ có 05 vụ tai nạn, nhưng làm chết 12 người, điều này cho thấy tính chất các vụ TNGT ngày càng phức tạp hơn; nguy cơ tiềm ẩn TNGT vẫn còn cao. Tiến độ thực hiện một số dự án công trình giao thông còn chậm, việc nạo vét luồng lạch giao thông đường thủy chưa được quan tâm đúng mức. Hành lang ATGT chưa được thông thoáng. Việc đăng ký, đăng kiểm, quản lý chưa chặt chẽ. Nhiều phương tiện giao thông không đảm bảo ATGT vẫn còn được đưa hoạt động. Lòng, lề đường, sông, rạch, hành lang ATGT sau khi giải tỏa thường xuyên bị tái chiếm. Nguyên nhân xảy ra TNGT phần lớn là do ý thức chấp hành các quy định về ATGT của người điều khiển phương tiện không nghiêm. Kỹ năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông còn kém. Tình trạng uống rượu bia, người điều khiển không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép lái xe còn diễn ra khá phổ biến. Ý thức trong việc chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn kém, nhất là đối với thanh thiếu niên. Một số biện pháp chỉ đạo tăng cường trật tự kỷ cương trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự ATGT chưa thật tốt như: chưa kịp thời sửa chữa những đoạn đường bị xuống cấp nhanh; chưa kịp thời khắc phục những đoạn đường hẹp, điểm gây tắc nghẽn giao thông; chưa kiên quyết xử lý các trường hợp tái vi phạm sau giải tỏa…
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả còn hạn chế. Công tác xử lý vi phạm từng lúc chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Việc thông báo về địa phương, nơi công tác của người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT theo Thông tư số 38/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an chưa được kịp thời và thường xuyên làm cho tác dụng, hiệu quả của biện pháp này chưa cao.
Công tác giải tỏa hành lang đường bộ để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị thì còn gặp nhiều khó khăn như yêu cầu giá đền bù của người dân vượt khung giá đất theo qui định. Một số điểm đường chưa đấu nối được hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến do vướng phải công tác giải phóng mặt bằng.
Ở nhiều địa phương, kể cả Thành phố Cà Mau, do một số bộ phận cư dân không có nghề nghiệp ổn định, không tư liệu sản xuất vì để mưu sinh nên chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, mua bán, nhiều nhất là hình thức nhóm chợ tự phát trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường nội ô các đô thị. Tình hình lấn chiếm lòng sông để lắp đặt nò, đó, vó, lú gây cản trở luồng giao thông của các phương tiện đường thuỷ không những không giảm mà còn gia tăng và rất phức tạp. Ở nhiều nơi, sau khi các ngành chức năng giải toả người dân lại tiếp tục tái vi phạm.
Chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) chưa phát huy vai trò, chưa tích cực trong công tác quản lý. Sau khi lực lượng chức năng giải tỏa xong giao lại cho địa phương, nhưng địa phương buông lỏng, thiếu kiên quyết và gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong xử lý những hành vi tái chiếm. Bên cạnh đó, kinh phí cho mỗi lần ra quân giải tỏa khá lớn nên công tác giải tỏa chướng ngại vật trên sông chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục.
Công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa hiện nay đang gặp khá nhiều khó khăn và bất cập. Việc đăng ký phương tiện thủy nội địa đạt tỷ lệ thấp, nhất là phương tiện thủy gia dụng. Tính đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 25.811/85.000 phương tiện thực hiện việc đăng ký, chiếm 30,36%. Tỷ lệ đăng ký qua các năm gần đây càng giảm dần. Việc đăng kiểm phương tiện cũng ở tình trạng tương tự. Nguyên nhân một phần là do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng để người dân hiểu rõ ý nghĩa, trách nhiệm của mình trong việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy. Một số phương tiện do không còn sử dụng thường xuyên nên người dân không thực hiện đăng ký theo quy định, chỉ những phương tiện có nhu cầu vận chuyển hàng hoá thường xuyên mới thực hiện việc đăng ký.
Tình hình thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT và trật tự mỹ quan đô thị đạt nhiều kết quả nhưng còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng nhưng nhìn chung chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển giao thông hiện nay, nhất là giao thông đường bộ. Tiến độ xây dựng một số công trình giao thông còn chậm, nhất là các tuyến đường về trung tâm xã. Các tuyến đường giao thông nông thôn mặt đường hẹp, một số đoạn đường bị xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Biển báo gai thông chưa đầy đủ hoặc bị hư hỏng, làm mất an toàn cho người tham gia giao thông. Một số tuyến đường không đảm bảo ATGT do bị lấn chiếm để họp chợ, để vật liệu xây dựng, hàng hóa… Một số bến tàu, xe, bến vận chuyển hàng hóa nằm cặp tuyến lộ diện tích hẹp, chật chội dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, gây mất trật tự ATGT. Tình trạng ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm còn xảy ra tại một số điểm trường học trong nội ô thành phố Cà Mau hiện chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc, quản lý địa bàn còn lỏng lẻo, để phát sinh mới nhiều công trình trái phép trên hành lang đường bộ. Việc xử lý những hành vi lấn chiếm hành lang ATGT chưa được kiên quyết.
Tại thành phố Cà Mau, một số tuyến đường trong nội ô nhanh xuống cấp nhưng chậm được sửa chữa hoặc sửa chữa, duy tu kéo dài gây khó khăn cho người tham gia giao thông, làm ô nhiễm môi trường, mất vẽ mỹ quan và thiệt hại cho người sản xuất kinh doanh dọc theo tuyến đường đó. Hành lang ATGT đường bộ một số nơi bị lấn chiếm, hợp chợ, mua bán, để vật liệu xây dựng, che lều quán… ở trung tâm thành phố Cà Mau có nhiều tuyến đường vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, mua bán nhưng không được quản lý, sắp xếp đi vào nề nếp, vừa gây cản trở giao thông, vừa mất vẻ mỹ quan đô thị. Ý thức của một bộ phận người dân đối với việc chấp hành quy định giải tỏa hành lang an toàn đường bộ chưa cao nên chưa tự giác tháo dỡ công trình trái phép và thường tái chiếm sau giải tỏa.
Các tuyến đường trong nhiều khu dân cư ở thành phố Cà Mau có quy mô lộ giới nhỏ, thậm chí không có vỉa hè, khiến cho việc quản lý khai thác gặp nhiều khó khăn vì không đủ không gian để lắp đặt các hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, nhất là hệ thống thoát nước, nên nhiều khu vực bị ngập sâu khi mưa xuống, gây ngập úng, đường phố nhanh chóng bị xuống cấp gây mất trật tự ATGT và mất vẻ mỹ quan đô thị nhưng chưa được quan tâm xử lý, khắc phục kịp thời, thiếu giải pháp căn cơ.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau cần chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT. Đồng thời kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm để đảm bảo trật tự ATGT và vẻ mỹ quan trên địa bàn tỉnh./.
Nguyễn Sơn Ca